CÁC SỰ CỐ SƠN DÂN DỤNG THƯỜNG GẶP
CÁC SỰ CỐ SƠN DÂN DỤNG THƯỜNG GẶP
1/ Màng sơn bị nhăn: Bề mặt màng sơn khi khô bị nhăn, sần sùi, không tạo bề mặt liên tục.
- Nguyên nhân:
+ Thi công lớp sơn quá dày, đặc biệt đối với sơn gốc dầu.
+ Thi công trong điều kiện thời tiết quá nóng hay quá lạnh gây ra hiện tượng lớp sơn bên ngoài khô quá nhanh so với lớp bên trong.
+ Do độ ẩm không khí cao làm ảnh hưởng đến quá trình khô của màng sơn.
+ Không tuân thủ thời gian sơn cách lớp, lớp trong chưa khô đã sơn lớp sơn ngoài.
+ Sơn trên bề mặt dính tạp chất.
- Khắc phục: Cạo sạch lớp sơn bị nhăn, xù xì, xả nhám và làm sạch bề mặt đạt yêu cầu thi công. Sau đó, sơn lại đúng phương pháp, đảm bảo màng sơn có độ dày đạt yêu cầu.
2/ Màng sơn bị nứt: Trên bề mặt màng sơn có những vết rạn nứt.
- Nguyên nhân:
+ Sử dụng sơn có độ bám dính và độ bền thấp.
+ Sơn quá mỏng hay quá dày.
+ Xử lý bề mặt không tốt, hay bề mặt gỗ không dùng sơn lót.
- Khắc phục:
+ Loại bỏ màng sơn bị nứt, bong tróc, xả nhám loại bỏ toàn bộ màng sơn cũ, sau đó làm sạch bề mặt đạt yêu cầu thi công.
+ Sử dụng 1 lớp sơn lót thích hợp. Sau đó sơn lại đúng phương pháp, đảm bảo màng sơn có độ dày đạt yêu cầu.
- Lưu ý: Còn 1 nguyên nhân nửa không phải do sơn gây ra, mà màng sơn bị nứt do tường bên trong bị nứt. Cần lưu ý, hầu hết các bức tường xây dựng mới thường sẽ bị tình trạng nứt chân chim trên bề mặt hồ vữa. Hiện tượng này xảy ra khoảng từ 3 - 6 tháng sau khi tô hồ và sẽ kéo dài đến khoảng 18 tháng mới kết thúc. Đối với nguyên nhân này, cách khắc phục là: sử dụng bột trét đặc biệt để xử lý cho bề mặt bị nứt và sử dụng loại sơn phủ tốt cho bề mặt bị nứt.
3/ Màng sơn bị sần sùi: Màng sơn không mịn màng bằng phẳng do có các hạt bọt và các lỗ do bọt vỡ ra.
- Nguyên nhân:
+ Khuấy trộn thùng sơn không đều.
+ Sử dụng loại sơn có chất lượng thấp.
+ Lăn sơn quá nhanh.
+ Sử dụng rulo không đúng (chiều dài sợi không đúng, dùng rulo sợi dài lăn sơn bóng hoặc bán bóng).
+ Lăn thừa sơn.
+ Lăn sơn có độ bóng cao trên bề mặt sần sùi.
- Khắc phục: tất cả các loại sơn khi thi công sẽ tạo bọt tuy nhiên sơn có chất lượng, khi bề mặt còn ướt bọt đã bị vỡ ra, tạo cho màng sơn phẳng có độ chảy tốt. Do đó, nên sử dụng loại sơn có chất lượng tốt, tránh lăn sơn thừa hay sử dụng sơn quá đát. Sử dụng loại sơn bóng hay bán bóng bằng rulô có đầu sợi ngắn, lăn sơn lót trên bề mặt sần sùi trước khi lăn sơn phủ. Chà nhám bề mặt bị sần sùi trước khi lăn sơn lại.
4/ Màng sơn bị phấn hóa: Màng sơn sau khi khô dùng tay xoa bề mặt bị phấn dính tay.
- Nguyên nhân:
+ Tường có độ ẩm cao.
+ Sử dụng loại sơn rẻ tiền có chất lượng kém.
+ Pha sơn quá loãng.
+ Bề mặt chưa xử lý tốt.
- Khắc phục:
+ Nếu bề mặt sơn bị phấn hoá nhẹ có thể dùng khăn ướt lau sạch lớp phấn để lộ ra phần sơn còn tốt bên trong.
+ Nếu sơn lại thì phải lau, rửa sạch phấn, thi công sơn lót kháng kiềm, sau đó sơn phủ bằng sơn màu.
+ Nếu mức độ phấn hóa nghiêm trọng thì phải cạo bỏ hoàn toàn lớp sơn cũ, xả nhám bề mặt, vệ sinh sạch sẽ. Sau đó, sơn lại đúng phương pháp.
5/ Màng sơn bị tróc, loang màu (lang ben): màng sơn bị tróc do độ bám dính giảm. Màng sơn có thể bị tróc 1 lớp phủ hoặc bị tróc hết các lớp.
- Nguyên nhân:
+ Do bị ẩm, mưa, hay các dạng khác của ẩm.
+ Tường bị thấm làm cho các màng sơn bị tróc.
+ Xử lý bề mặt không tốt.
+ Sử dụng sơn chất luợng kém.
+ Thi công trong điều kiện sự tạo màng bị cản trở (trời mưa, không khí lạnh…)
- Khắc phục: cạo bỏ hoàn toàn lớp sơn bị tróc, xả nhám bề mặt, vệ sinh sạch sẽ. Sau đó, sơn lại đúng phương pháp với sơn lót chống kiềm và sơn phủ phù hợp.
6/ Màng sơn bị phồng rộp: Màng sơn bị phồng rộp do giảm độ bám dính.
- Nguyên nhân:
+ Do thi công trong điều kiện quá nắng hay bề mặt vật chất bị ẩm, đặc biệt đối với các màu đậm.
+ Dùng sơn gốc dầu hay sơn alkyd sơn trên bề mặt ẩm ướt.
+ Do độ ẩm quá cao hoặc bị ngấm ẩm từ bên trong ra ngoài.
+ Màng sơn mới khô bị phá do độ ẩm như mưa dầm, rêu mốc do độ ẩm cao.
+ Xử lý bề mặt không tốt.
- Khắc phục:
+ Đầu tiên phải xử lý triệt để nguồn gốc gây ẩm tường.
+ Cạo bỏ hoàn toàn lớp sơn cũ, làm sạch bề mặt loại bỏ hoàn toàn bụi bẩn. Để từ 4-6 tuần cho hơi nước thoát ra, tường khô hẳn rồi sơn lại đúng phương pháp.
7/ Màu sơn không đồng nhất: Khi chỉ dùng một loại sơn màu nhưng không đều màu.
- Nguyên nhân:
+ Do không khuấy đều thùng sơn trước khi lăn.
+ Thợ thi công không đều tay.
+ Dụng cụ thi công khác nhau .
+ Dặm vá không khéo léo.
+ Mỗi lần thi công, sơn được pha loãng với tỷ lệ khác nhau .
- Khắc phục: Khi pha sơn phải chú ý khuấy đều, tỷ lệ pha sơn phải đúng với hướng dẫn sử dụng, khi sơn phải lăn đều tay.
8/ Màng sơn bị mất màu: Sau khi khô một thời gian,màng sơn bị nhạt màu hoặc mất hẳn màu.
- Nguyên nhân:
+ Dùng sơn nội thất đem sơn cho ngoại thất.
+ Do không dùng lớp sơn lót chống kiềm hoặc sử dụng sơn trắng thay cho sơn lót.
- Khắc phục: Xả nhẹ và làm sạch bề mặt, không để bám bụi bẩn, dầu mỡ, muối, sau đó sơn lại đúng phương pháp.
9/ Màng sơn có độ phủ kém: Bề mặt màng sơn không che phủ hết lớp nền.
- Nguyên nhân:
+ Pha sơn quá loãng.
+ Sử dụng loại sơn rẻ tiền.
+ Gia công không đúng theo quy trình.
+ Tay nghề thi công thấp, lăn không đều.
- Khắc phục: Làm sạch bề mặt, sơn lại 1 hoặc 2 lớp sơn phủ có độ che phủ cao. Sử dụng đúng sơn lót đối với lớp sơn phủ có màu đặc biệt, có độ phủ kém.
10/ Màng sơn bị rêu, móc: Sau khi khô, màng sơn xuất hiện những vết đốm, vệt mốc đen xanh, …
-Nguyên nhân:
+ Do bề mặt cần sơn bị ẩm.
+ Lớp sơn cũ bị mốc sẵn, khi sơn mới không được xử lý triệt để.
+ Sơn 1 lớp hoặc sơn quá mỏng không đủ lượng chất chống mốc cần thiết.
+ Dùng sơn nội thất cho ngoại thất.
-Khắc phục:
+ Cạo bỏ lớp sơn bên ngoài để cho hơi ẩm trong tường bay hết, khô đến mức yêu cầu (4 – 6 tuần).
+ Xử lý triệt để các nguồn gây ẩm (vết nứt, nơi có độ ẩm cao,…)
+ Sử dụng hóa chất tẩy rửa và diệt rêu mốc A980 để xử lý lớp rêu mốc trên tường. Làm vệ sinh bề mặt sạch sẽ.
+ Tiến hành sơn lại theo hệ thống: 1 lớp sơn lót và 2 lớp sơn hoàn thiện.